Tiếp tục thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, của tỉnh, của huyện. Trong đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Ngày 24 tháng 12 năm 2019 Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm ký ban hành quyết định số 3139/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 của huyện Vũng Liêm.
Phòng Văn hóa và Thông tin xin giới thiệu nội dung cơ bản về cải cách hành chính của huyện Vũng Liêm năm 2020 cụ thể như sau:
1. Cải cách thể chế
Thực hiện quy trình xây dựng văn bản theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trong đó chú trọng khâu xây dựng chính sách và tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách trước khi ban hành.
Nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đảm bảo kịp thời, theo đúng trình tự, đúng pháp luật; Quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện các thể chế được ban hành.
Tăng cường rà soát, kiểm tra văn bản QPPL, đảm bảo tính đồng bộ, cụ thể, hợp pháp và khả thi. Tăng cường hoạt động kiểm tra việc thi hành pháp luật trên địa bàn huyện.
2. Cải cách thủ tục hành chính(TTHC)
Cập nhật niêm yết đầy đủ, kịp thời TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện. Rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Kiến nghị UBND huyện bãi bỏ những TTHC; biểu mẫu, giấy tờ không cần thiết.
Tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
Tăng cường công tác truyền thông về kiểm soát TTHC, cải cách TTHC; đặc biệt là các TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và các TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích để cá nhân, tổ chức biết thực hiện.
3. Cải cách tổ chức bộ máy
Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 22/KH-UBND, ngày 31/5/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ và Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.
Rà soát việc quản lý, sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo việc quản lý sử dụng đúng quy định.
4. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-UBND, ngày 24/5/2016 phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2016 –2025.
Xây dựng cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính, cơ cấu chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện.
Thực hiện đúng các quy định về quản lý cán bộ, công chức.
Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức.
5. Cải cách tài chính công
Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ; Nghị định số 117/2013/NĐ- CP ngày 07/10/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 130/2005/NĐ-CP.
Triển khai thực hiện các Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát việc quản lý ngân sách nhà nước; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước để đảm bảo đủ nguồn, đáp ứng nhu cầu chi của huyện.
6. Hiện đại hóa hành chính
Tiếp tục hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử cấp huyện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính quyền điện tử; định hướng xây dựng Chính quyền số, hóa các lĩnh vực; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.
Xây dựng lộ trình kết nối các ứng dụng, dịch vụ khi cần chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng, hệ thống thông tin, tích hợp lên cổng thông tin điện tử của tỉnh quản lý.
Hoàn thành việc hiệu chỉnh Cổng Dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đúng quy định tại Nghị định số 61/2019/NĐ-CP của Chinh phủ và triển khai hoàn thiện hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Triển khai hoàn thiện dự án một cửa điện tử 10 xã còn lại của huyện.
100% các ban, ngành huyện, UBND các xã thị trấn công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin; tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công nghệ thông tin.
Triển khai Quyết định số 1604/QĐ-UBND, ngày 26/7/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi việc xây dựng áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 sang TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước của tỉnh Vĩnh Long.
7. Công tác chỉ đạo điều hành và kiểm tra, giám sát cải cách hành chính
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cải cách hành chính. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch cải cách hành chính của huyện, của ngành đã đề ra; Xác định rõ trách nhiệm từng người trong việc tổ chức thực hiện.
Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành, thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, công chức, phòng, ban chuyên môn trực thuộc thực hiện công tác cải cách hành chính theo lĩnh vực phụ trách.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ; đánh giá hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị.
Tổ chức đánh giá, chấm điểm để xác định chỉ số cải cách hành chính của UBND cấp huyện, cấp xã nhằm đánh giá thực chất, khách quan, chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
Đa dạng hóa công tác tuyên truyền về cải cách hành chính, kết hợp tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và qua các hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của các tổ chức đoàn thể. Đa dạng các phương thức tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân, đảm bảo nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả.
Gắn thi đua khen thưởng với việc hoàn thành nhiệm vụ công các cải cách hành chính.
Phòng Văn hóa và Thông tin