Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác của tỉnh trên địa bàn huyện Vũng Liêm đã phát huy được hiệu quả từ đó khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, đặc biệt các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Qua đó, các HTX tiếp tục cũng cố để nâng cao chất lượng hoạt động. Một số HTX hoạt động hiệu quả được hỗ trợ máy móc, nhà xưởng, kỹ thuật, cây giống, thuốc Bảo vệ thực vật, phát triển thêm thành viên, vốn hoạt động, nâng cao năng lực quản lý điều hành của bộ máy quản trị,...Mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đã phát huy hiệu quả tích cực, kết nối nông dân với nông dân, là cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững, nổi bật nhất là các HTX Nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.
Năm 2020, huyện Vũng Liêm có 18 HTX nông nghiệp kiểu mới được thành lập theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 9 HTX sản xuất gắn với chuỗi liên kết, các HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hướng hữu cơ đã có bước đi đúng hướng và có nhiều chuyển biến tích cực. Các HTX từng bước đã làm tốt công tác tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có những HTX sản xuất lúa theo hướng hữu cơ diện tích 287 ha của HTX nông nghiệp Tấn Đạt xã Trung Ngãi và HTX làng hữu cơ Hiếu Thuận hiện đang có đầu ra ổn định và có triển vọng phát triển bền vững gắn kết giữa sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị (sau khi sơ chế, đóng gói lợi nhuận cao hơn 1,4-1,5 lần so với sản xuất lúa chất lượng cao thông thường). Ngoài ra, HTX dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã đa dạng hóa sản phẩm bằng cách nghiên cứu và chế biến trà gạo thảo dược từ gạo hữu cơ cung ứng cho thị trường 200-300 sản phẩm mỗi tháng (sản phẩm nặng 0,5 hoặc 1 kg),...tham gia chương trình OCOP của tỉnh từ năm 2019-2020 với 02 sản phẩm: gạo, yaout đạt chuẩn 03 sao, 04 sao của tỉnh.
Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của các HTX nông nghiệp cho thấy vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ. Trong đó, lớn nhất trong việc phát triển các HTX nông nghiệp hiện nay là nguồn vốn sản xuất và vốn để HTX làm dịch vụ cung ứng nguyên liệu vật tư nông nghiệp cho các xã viên cũng như chưa huy động được hết các thành viên và người ngoài tham gia góp vốn, nguồn vốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm cũng là vấn đề đặt ra với nhiều HTX nông nghiệp hiện nay.

Bên cạnh nguồn vốn thì nguồn nhân lực có trình độ tham gia Hội đồng quản trị còn hạn chế, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh chưa ổn định, chưa chủ động tìm thị trường bền vững. Một số thành viên chưa tích cực, nhiệt tình tham gia nên chưa phát huy tối đa sức mạnh của tập thể trong việc sản xuất, kinh doanh của HTX, đầu ra của sản phẩm còn khó khăn. Sản phẩm bưởi da xanh và xoài cát núm của HTX đã có nhãn hiệu tập thể, sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng nhiều năm qua, sản phẩm do các thành viên tự tiêu thụ chủ yếu qua thương lái, ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với Công ty, doanh nghiệp lớn còn hạn chế, chưa ổn định để xã viên yên tâm sản xuất, HTX có VietGAP, có nhãn hiệu hàng hóa nhưng chưa khai thác hết tiềm năng của mình để quảng bá sản phẩm và tiềm kiếm thị trường,...dẫn đến việc ký hợp đồng liên kết gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản đối với các HTX với sản lượng sản xuất ra còn rất ít so với tiềm lực sản xuất của HTX.
Sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, qui mô sản xuất của các HTX đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng hữu cơ còn rất ít so với diện tích sản xuất nông nghiệp toàn huyện cụ thể đối với lúa sản xuất hướng hữu cơ 287ha trên tổng diện tích sản xuất 36.619ha (chiếm 0,78% diện tích sản xuất); cây bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP 83,85ha trên tổng diện tích 1.700 ha (chiếm 4,93% diện tích sản xuất), xoài đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP 52ha trên tổng diện tích 1.088ha (chiếm 4,8% diện tích sản xuất), sam sành đạt chứng nhận VietGAP với diện tích 20ha trên tổng diện tích trồng cam 1.778ha (chiếm 1,12% diện tích sản xuất), từ đó dẫn đến việc liên kết theo chuỗi chưa tập trung được số lượng nông sản lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu ký hợp đồng ổn định của các doanh nghiệp, công ty lớn.
HTX chưa có đất xây dựng trụ sở làm việc, thường trụ sở làm việc được “mượn” từ trụ sở ấp để làm việc hoặc được đặt tại nhà của thành viên HTX.
Việc nhân rộng mô hình HTX còn chậm. Các HTX chưa tự thân vận động mà còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nhất là hỗ trợ tái chứng nhận VietGAP.
Để tạo đà cho các HTX Nông nghiệp phát triển, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Đối với huyện: Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trị, tầm quan trọng của HTX để cán bộ, đảng viên tuyên truyền và trực tiếp tham gia thành viên HTX.
Đồng thời tuyên truyền, giới thiệu các HTX nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ hoạt động có hiệu quả đến người dân từ đó vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm đồng thuận các quy định chung của HTX, các điều kiện trở thành thành viên, các quyền lợi của thành viên khi tham gia HTX, cách thành lập và đăng ký HTX, tổ chức quản lý HTX. Tuyên truyền các chủ trương của đảng, Nhà nước đến người dân am hiểu, tham gia xây dựng và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng VietGAP, quản lý tốt sâu bệnh hại, đạt năng suất chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho người sản xuất và tăng hiệu quả kinh doanh của các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản và tham gia vào HTX. Tuyên truyền để người dân chủ thể của sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, tạo liên kết chuỗi, bảo đầm đầu ra ổn định cho nông sản chủ lực trên địa bàn huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm ổn định.
Đối với các sở, ngành chức năng của tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên HTX nông nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; chính sách hỗ trợ HTX trong khâu bảo quản sau thu hoạch, mời gọi đầu tư của các doanh nghiệp, hỗ trợ HTX được tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua những hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm do tỉnh, huyện tổ chức; hỗ trợ, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý cho lãnh đạo HTX; tạo môi trường thuận lợi cho các thành viên HTX được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhãn hiệu, tiếp thị, quảng bá sản phẩm, quản lý tài chính của HTX từng bước đưa HTX tham gia vào chuỗi liên kết. Đây sẽ là hạt nhân tiếp tục lan tỏa, nhân rộng ra trong thời gian tới.
Kịp thời giải quyết những khó khăn của HTX trong quá trình thực hiện chuỗi liên kết nhất là khâu thực hiện hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng để tạo niềm tin cho thành viên của HTX trong việc duy trì và mở rộng sản xuất cũng như người ngoài tích cực tham gia vào HTX.
Tổ chức sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới và hình thành các vùng sản xuất tập trung đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng hữu cơ đối với các loại cây chủ lực, cây tiềm năng từng bước tạo liên kết chuỗi từ khâu sản xuất gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho người sản xuất và tăng hiệu quả kinh doanh của các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành trồng trọt trong thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của huyện./.
Người viết: Ngọc Yến (PHÒNG NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT)