Năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân. Việc chọn mô hình sản xuất nông nghiệp nào để đem lại hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống luôn được nhiều nông hộ quan tâm. Nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần năm 2022 tôi xin giới thiệu mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế khá ở huyện Vũng Liêm.
1-Mô hình nuôi cá lóc trong gièo:

Mô hình của anh Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1959 đã thực hiện ở ấp Trung Trị xã Trung Hiệp, anh có 9 công đất (trồng dừa 4,5 công và đào ao nuôi cá 4,5 công) năm 2019 anh đã nuôi cá lóc trong ao, diện tích 2500m2 nhưng hiệu quả mang lại chưa cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Sang năm 2021 anh học tập được từ An Giang về thực hiện nuôi cá lóc trong gièo trên diện tích 2500m2 anh đặt 6 gièo mỗi gièo có diện tích 120m2 (ngang 7m, dài 17m, sâu 3m) được thả nuôi 40.000 con cá lóc giống (giá 400đồng/con). Qua 6,5 tháng nuôi cá đạt trọng lượng bình quân 400-500 gam/con. Mỗi gièo thu được 12.000kg cá thịt, thời điểm tháng 8 năm 2021 cá thịt bán ra 40.500 đồng/kg, tổng thu 486 triệu đồng/ gièo sau khi trừ hết chi phí lợi nhuận thu về 126 triệu đồng/gièo/vụ. Nếu tính trên diện tích 2500m2 ao nuôi của anh Dũng mỗi năm cho thu hoạch 9 gièo, giá cá có thấp hơn, bình quân lợi nhuận thu được gần 0,6 tỷ đồng. Phía ngoài gièo anh thả thêm cá sặc rằng để tận dụng lượng tảo phát sinh làm sạch nước trong ao nuôi kết hợp cá lóc nuôi từ gièo ra mỗi năm anh bán khoảng 30 triệu đồng, bùn đáy ao được bơm lên liếp dừa làm phân bón cho cây nên vườn dừa cho trái quanh năm, bình quân mỗi tháng bán 5-6 trăm trái dừa khô thu gần 20 triệu đồng/ năm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Dũng cho biết mô hình nuôi cá lóc trong gièo có rất nhiều ưu điểm như: chia nhỏ lượng cá nuôi trong ao thành nhiều đợt nuôi, thu hoạch cũng rải đều các tháng trong năm, nguồn vốn đầu tư thấp vòng quay ngắn do khi thu hoạch gièo nầy lấy vốn và lãi tiếp tục đầu tư cho gièo tiếp theo, môi trường nước ao sạch cá lớn nhanh, chất lượng thịt cá ngon, tỷ lệ hao hụt thấp, hệ số tiêu tốn thức ăn bình quân đầu tư 1,2kg thức ăn tương đương 25.000 đồng cho ra 1kg cá thịt.
Mô hình nuôi cá lóc trong gièo kết hợp vườn cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế khá cao rất thân thiện với môi trường, hạn chế được việc nuôi tập trung kéo dài gặp nhiều rủi ro như giá cá thịt lên xuống bất thường như hiện nay, bị thương lái ép giá, dịch bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra … mô hình sản xuất kết hợp rất phù hợp cho nông hộ hiện nay.
2-Mô hình trồng cam sành trên đất ruộng:

Hộ anh Lê Văn Cuộc sinh năm 1984 ngụ ấp Hiếu Xuân Tây xã Hiếu Thành huyện Vũng Liêm, năm 2014 anh làm lúa mỗi năm 3 vụ nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thấy nhiều hộ dân trong xã trồng cam sành cho thu nhập khá. Anh mạnh dạn lên liếp 1,5 công ruộng để trồng 675 cây cam sành (mật độ 450 cây/công). Tổng chi phí đầu tư năm thứ nhất kể cả cây giống, công lên liếp, phân bón, thuốc BVTV, mua sắm trang thiệt bị máy móc. . . khoảng 40 triệu đồng, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây phát triển tốt. Sau 18 tháng trồng cây cho trái vụ đầu tiên anh thu về gần 7 tấn, giá bán bình quân 10.000 đ/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư ban đầu còn lãi gần 30 triệu đồng, anh tiếp tục đầu tư cho vụ sau và năng suất từ năm thứ ba thứ tư tăng lên 13-14 tấn/ công, sang những năm sau năng suất giảm xuống còn từ 7-10 tấn. Đến nay vườn cam của anh Cuộc đã thu hoạch được 7 vụ tuy giá cả có lúc cao trên 15.000 đ/kg và có lúc thấp dưới 7.000 đ/kg. Tổng thu nhập 7 vụ cam gần 900 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí còn lãi gần 600 triệu đồng, tăng hơn gấp10 lần so với sản xuất 3 lúa trên năm.
Đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế khá cao ở nông thôn. Nhưng không vì thế mà nông dân chúng ta tập trung chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cam sành hoặc nuôi thủy sản bất chấp lời khuyến cáo của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn và nhà quản lý quy hoạch sử dụng đất ở địa phương thì sẽ xảy ra hệ lụy “cung vượt cầu” giá cả giảm, người nuôi, trồng hiệu quả thấp điệp khúc “trồng chặt, chặt trồng” lại xảy ra.
Văn Nhu-Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vũng Liêm