Để nâng cao thu nhập cho nông dân trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác, trong thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm triển khai nhiều giải pháp trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả.
Đời sống của nông dân huyện Vũng Liêm chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó, sản xuất lúa chiếm tỷ lệ cao. Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và sâu bệnh ngày càng nhiều. Chính những yếu tố trên đã làm không ít vùng trồng lúa có hiệu quả sản xuất không cao. Do vậy, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trồng cỏ nuôi bò, trồng màu, … Đây được xem là một trong những định hướng hiệu quả trong thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện trong thời gian qua.
Để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, những năm qua, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hàng loạt các nhóm giải pháp, như: rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc chuyển đổi; thu hút doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Ngoài ra, huyện còn tận dụng các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nông dân về cây, con giống, kỹ thuật. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong năm 2021, nông dân trên địa bàn huyện đã cải tạo vườn kém hiệu quả 98 ha, ban phá 8,9 ha, lập vườn mới trên 160 ha, nâng tổng số diện tích vườn toàn huyện trên 10.477 ha, chiếm 43,06% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tăng so năm 2020 là 151,46 ha. Diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam dưới ruộng 2.091,6ha, diện tích một số loại cây ăn trái chủ lực của huyện như bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng, xoài, nhãn, măng cụt, thanh long,…trong đó diện tích đạt VietGAP 398,33ha. Theo đánh giá ngành chuyên môn, các loại cây ăn trái chủ lực và tiềm năng của huyện cho hiệu quả kinh tế cao như bưởi, sầu riêng, xoài, cam sành,…thu nhập đạt từ 130 đến 550 triệu đồng/ha/năm.
Phong trào chuyển đổi cơ cấu sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện đã và đang góp phần không nhỏ vào việc tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân; nhiều cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ tốt được đưa vào gieo trồng. Đáng kể là trên địa bàn huyện đã duy trì mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao với diện tích 4.100 ha, chiếm 38% diện tích sản xuất lúa ở các xã Tân An Luông 600ha, Hiếu Phụng 500ha, Hiếu Nhơn 600ha, Trung Hiếu 700ha, Trung Hiệp 500ha, Trung Ngãi 500ha, Trung An 600ha, Hiếu Thuận 100ha, có năng suất cao hơn so ngoài mô hình từ 5 - 10%.
Bên cạnh đó, còn có mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ diện tích 287ha của HTX nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi) và HTX làng hữu cơ Hiếu Thuận hiện đang có đầu ra ổn định trong đó HTX nông nghiệp Tấn Đạt có triển vọng phát triển bền vững gắn kết giữa sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sau khi sơ chế, đóng gói lợi nhuận cao hơn 1,4-1,5 lần so với sản xuất lúa chất lượng cao thông thường. Ngoài ra, HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt nghiên cứu cho ra sản phầm trà gạo lức thảo dược tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc chuyển đổi trên địa bàn huyện đa phần còn thực hiện manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng, tập trung, quy mô lớn; nông dân còn sản xuất chạy theo phong trào, chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, từ đó khó ký kết hợp đồng với doanh nghiệp hoặc công ty để cung ứng sản phẩm có số lượng nhiều và chất lượng.
Mục tiêu của huyện là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tập trung cho các sản phẩm chủ lực và tiềm năng. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả theo quy hoạch từng khu vực sản xuất. Tập trung phát triển các cây giống chủ lực, tiềm năng theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ nông sản ổn định bền vững nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập góp phần xây dựng nông thôn mới đạt kế hoạch đề ra. Sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp hợp lý mang tính ổn định bền vững, lâu dài và phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển 3 sản phẩm chủ lực: cây có múi (bưởi da xanh, cam sành), lúa, bò và 6 sản phẩm tiềm năng lợi thế (xoài xiêm núm, dừa, lác, nấm rơm, heo, gia cầm) nhằm tăng hiệu quả kinh tế và lợi thế cạnh tranh.

Theo đó, huyện tiếp tục khuyến cáo, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác. Vận động nông dân cải tạo vườn kém hiệu quả, đốn bỏ diện tích cây già cỗi, nhiễm bệnh, không có năng suất sang trồng các loại cây có giá trị, nhằm nâng cao hiệu quả diện tích vườn cây ăn trái, chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái đối với những vùng còn nhu cầu. Tập trung xây dựng mô hình chuyên canh các cây chủ lực và tiềm năng của huyện trong kế hoạch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp như bưởi da xanh, cam sành, xoài cát núm, sầu riêng theo hướng VietGAP ở xã Thanh Bình, Quới Thiện và các xã ven sông Cổ Chiên, sông Măng Thít. Sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao, sạch bệnh; khuyến khích nông dân tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực và có thị trường tiêu thụ; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các mô hình và các dự án đang đầu tư thực hiện trên địa bàn huyện, trong đó kết hợp tỉnh triển khai thực hiện dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng VietGAP, gắn với nhãn hiệu hàng hoá và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025”. Tiếp tục mở rộng diện tích VietGAP xoài cát núm xã Quới An, Trung Chánh, xoài cát chu ở xã Quới Thiện gắn với việc kết nối, liên kết tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Có thể nói, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua ở Vũng Liêm đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi thành công sẽ góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, tăng thu nhập cho người dân, tạo nên đòn bẩy để thúc đẩy nhiệm vụ xây dựng hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh ở địa phương./.
Phạm Ngân