
Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở huyện Vũng Liêm những năm qua gặp không ít khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp giá cả nông sản không ổn định. Nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất không ngừng tăng, đặc biệt xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Trong đó điển hình là mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản hướng hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công chung của ngành nông nghiệp. Hiện toàn huyện có 15 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó có 14 HTX trồng trọt với 6 HTX trồng lúa và 6 HTX cây ăn trái với 255 thành viên tham gia, vốn điều lệ 3,59 tỷ, số lao động làm việc thường xuyên là 281 người (trong đó số lao động đồng thời là thành viên là 174 người), tổng doanh thu trong năm 15 tỷ đồng, lợi nhuận 2,5 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của HTX đạt 800 triệu đồng/năm. Lãi bình quân của 01 HTX đạt khoảng 120 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 30 triệu đồng/năm. Để đưa sản phẩm đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng, với tư duy nhạy bén, các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hướng hữu cơ đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc kết nối nông dân với nông dân, kết nối nông dân với doanh nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn, đáp ứng các tiêu chí mẫu mã, chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững,...Nhờ đó, ngày càng phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới không những đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của khách hàng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
Điển hình là HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, được thành lập năm 2017, với bước đầu có 15 thành viên tham gia với vốn điều lệ 400 triệu đồng, đến nay được 85 thành viên tham gia, với vốn điều kệ tăng đạt 900 triệu đồng, hiện HTX có 100 ha đất sản xuất lúa hướng hữu cơ (trong đó có 60 ha đang hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ, 40 ha làm vùng đệm cách ly cho vùng sản xuất hữu cơ sản xuất theo hướng an toàn sinh học). Ngoài ra, HTX dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã đa dạng hóa sản phẩm bằng cách nghiên cứu và chế biến trà gạo thảo dược từ gạo hữu cơ cung ứng cho thị trường 200-300 sản phẩm mỗi tháng (sản phẩm nặng 0,5 hoặc 1 kg),...tham gia chương trình OCOP của tỉnh từ năm 2019-2021 với 02 sản phẩm: gạo hữu cơ, yaout gạo tím thảo dược, trà thảo dược đạt chuẩn và giữ vững hạn 4 sao, 3 sao của tỉnh. Riêng năm 2021, HTX đã liên kết với công ty phân bón Sài Gòn Mekong để nhập phân bón hữu cơ và cung ứng 305 tấn lúa hữu cơ cho công ty TNHH xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh để xuất khẩu đi thị trường châu Âu và châu Mỹ. Bên cạnh đó, HTX cũng tự cung ứng khoảng 100 tấn gạo được sản xuất theo phương pháp hữu cơ và khoảng 1.800 hộp trà gạo lứt thảo dược cho thị trường trong nước ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đak Lak. Đồng thời, đầu tư hệ thống nhà sơ chế, xay xát, cùng quy trình đóng gói, in tem mác rõ ràng, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; từ đó, góp phần tăng giá trị kinh tế cho nông sản, thu nhập cho các hộ thành viên và người lao động. Kết quả doanh thu của HTX tăng qua các năm từ 2,5 tỷ đến 4,7 tỷ.
Ngoài hoạt động có hiệu quả của các HTX sản xuất lúa, HTX sản xuất cây ăn trái hoạt động có hiệu quả như HTX cam sành Vinfarm (xã Hiếu Thành), HTX cam sành Hiếu Trung (xã Hiếu Nghĩa) với diện tích 42 ha (trong đó có 36 ha đạt chuẩn VietGAP), HTX đã liên kết với Công ty TNHH Vinfarm để mua vật tư nông nghiệp đầu vào cung cấp cho các thành viên HTX và cung ứng cam sành đến các thị trường ở Hà Nội, siêu thị Bách hóa xanh, Công ty Cổ phần vườn trái Cửu Long.
Nhìn chung, các HTX trên địa bàn huyện đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, nâng hiệu quả kinh tế và nhất là đã thực hiện tốt việc liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho các nông sản. Do đó, sau khi được chứng nhận canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP đến nay, từng bước trong quy trình canh tác nghiêm ngặt này đã trở thành thói quen của các hộ thành viên tham gia HTX. Từ đó, giúp ổn định kinh tế nông hộ, vươn lên thoát nghèo và thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương. Mô hình hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP đang mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.
Ngọc Yến