Trong quá trình lãnh đạo và cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh một yêu cầu, nguyên tắc quan trọng, đó là "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân”; đồng thời, chỉ rõ: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”.

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, xây dựng nông thôn mới nhằm làm cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên, môi trường xanh, sạch, đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Xây dựng nông thôn mới cần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vì đây là quá trình nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhân dân là lực lượng chính trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo của nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ. Nhân dân là người chủ - người có quyền trực tiếp tham gia, quyết định, giám sát các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới; trực tiếp tổ chức, giám sát các hoạt động và hưởng lợi trong xây dựng nông thôn mới một cách đầy đủ, kịp thời.
Thực tiễn trên địa bàn huyện Vũng Liêm thời gian qua cho thấy, việc phát huy quyền làm chủ của người dân có vai trò quyết định trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững.
Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhân dân huyện Vũng Liêm đã đóng góp trị giá 71,74 tỷ đồng, chiếm 5,39% cơ cấu nguồn vốn để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trường học và các công trình sản xuất, dân sinh. Quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương hơn 10 năm qua không có đơn thư, khiếu nại, tố cáo của người dân. Các chủ trương, nội dung, công trình, kế hoạch về xây dựng nông thôn mới được niêm yết công khai và thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh. Từ xã đến ấp công khai minh bạch việc thu, chi ngân sách, dự toán, quyết toán các công trình xây dựng. Các xã triển khai, tổ chức họp dân, lấy ý kiến nhân dân, mở “Hòm thư góp ý” đặt tại trụ sở UBND xã. Đồng thời, tuyên truyền những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, biểu dương những điển hình, điểm sáng thực hiện quy chế dân chủ về xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho phong trào.

Qua hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến đầu năm 2022 toàn huyện có 14 xã nông thôn mới. Trong đó có 4 xã nông thôn mới nâng cao, 3 ấp nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân đạt 17,57 tiêu chí/xã. Cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng khá đồng bộ và rộng khắp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng, giá trị sản xuất bình quân trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp tăng lên 181,45 triệu đồng/ha/năm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,1%, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 98%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, công tác vệ sinh môi trường nông thôn được người dân tích cực tham gia, có 78% dân số xử lý rác đúng quy định; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; an ninh trật tự địa bàn nông thôn được đảm bảo; vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình ngày càng được tăng cường. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới từ năm 2011-2021 là 1.330 tỷ đồng.
Kết quả xây dựng nông thôn mới 10 năm qua của huyện Vũng Liêm cũng chính là kết quả phát huy dân chủ, tinh thần dân chủ đã giúp người dân loại bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, phát huy triệt để phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để các xã thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, cũng như xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy dân chủ, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025, 19/19 xã trong huyện đạt chuẩn xã nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu nêu trên, trước hết cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhân dân trong quá trình thực hiện, vì đây là vấn đề gắn với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn và phải được người dân đồng lòng tham gia thực hiện; chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân nắm được quyền và nghĩa vụ của mình, thực hiện quyền làm chủ, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; xây dựng tác phong làm việc, phong cách dân vận của đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với việc thực hiện đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” theo phương châm “gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.
Phát huy dân chủ là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bác Hồ dạy rằng: Dễ trăm dần không dân cũng chịu, khó vạn dần dân liệu cũng xong. Tin rằng, với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” cùng với những nỗ lực và quyết tâm thực hiện mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025 Vũng Liêm sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra với chất lượng cao, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị./.
Phượng Quyên