Vì sao nói là mô hình thiện nguyện có “1 không 2”, vì các chị em hội viên phụ nữ của ấp đã trên 50, 60 tuổi, nhưng với sức khỏe và niềm đam mê, các chị đã thành lập đội lân nữ - không chỉ biểu diễn phục vụ ở địa phương mà còn lập quỹ làm công tác từ thiện. Đội lân này đã thành lập hơn 10 năm, đến nay vẫn duy trì hoạt động. Không chỉ là hội viên hội phụ nữ trong ấp Quới Hiệp mà còn thu hút phụ nữ ở ấp Hòa Nghĩa, cùng địa phương tham gia.

Ban đầu các chị em họp mặt với mục đích văn nghệ là chính, vào những dịp lễ như 8/3, 30/4 hay 20/10 là các chị em tổ chức họp mặt với hình thức “xã hội hóa”, chủ yếu để gặp nhau, được tự do múa hát, vui đùa như “thời còn son”, mọi người được một buổi “cười thả ga” không lo, không nghĩ, không bận việc gia đình, con cái,… Trong lúc vui, múa hát, các chị em tự mình thiết kế hoặc vận dụng từ những trang phục nhà sẵn có hoặc do mạnh thường quân tặng để làm phong phú thêm, có khi chị em thiết kế súng bẹ chuối, băng đô buộc đầu, “xà rông” của người dân tộc, nón tay bèo, mặt nạ “tề thiên”,….nhằm tăng thêm tiếng cười cho các chị em. Dần dần, vì yêu thích, đam mê nên các chị em lập nên Đội lân lúc nào không hay. Ban đầu chỉ vài người, sau những buổi vui đó, các chị em rủ nhau đi nhiều hơn, và bây giờ có khoảng 20 chị trong ấp Quới Hiệp và một vài phụ nữ ấp Hòa Nghĩa, xã Trung Thành Tây tham gia thường xuyên và tích cực.
Lúc đầu các chị em sử dụng đầu lân nhỏ, trang phục tự thiết kế, sau khi đi biểu diễn ở nhà chị em gần đó, được mọi người động viên tinh thần, cũng như ủng hộ về vật chất, chị em đóng góp thêm mua đầu lân hơi to, rực rỡ hơn, sắm thêm trống, chiêng đồng (lúc chưa có, các chị em dùng nắp xoang, nồi để vỗ), đầu ông địa,….các chị em thay phiên nhau vào “nhập vai” khi người khác mệt. Tuy nhiên, có chị chịu trách nhiệm đầu lân là không ai thay thế được vì múa lân cần có kỹ thuật và điêu luyện, việc này do chị Lê Thị Hằng – chi hội trưởng chi hội Phụ nữ ấp đảm nhiệm, theo chị, “chị không ngại hay mắc cỡ gì hết, tại vì đây là truyền thống của ông bà tui ngày xưa”, nên chị có niềm đam mê ở lĩnh vực này.

Đội lân không chỉ có lân, có địa, mà còn được các cô, chị em “chế” thêm ông “tề thiên” trong các buổi biểu diễn, có khi làm cho mấy bé gần đó phải một phiên “khiếp vía”, khóc bù lu bù loa. Đội lân nữ không chỉ biểu diễn ở trong ấp, mà còn biểu diễn ở trường mầm non, trường tiểu học xã Trung Thành Tây nhân dịp Tết Trung thu để phục vụ các em nhỏ.
Tôi nhớ năm ấy, được theo bước đội lân đi từ đầu ấp đến cuối ấp vào ngày mùng của tết, bắt đầu từ tầm khoảng 16 giờ chiều, sắp xếp việc gia đình, các chị tranh thủ tập hợp, ai có xe đạp thì đi xe đạp, ai có xe máy hoặc con, cháu đưa rước thì đi xe máy, năm đó các chị tham dự rất đông, quần áo hóa trang nhiều nên phải nhờ xe hoa lâm (xe ba gác) chở đi, anh đó ở ngoài ấp nhưng thấy mấy cô, chị em vui quá, làm việc thiện nữa nên cũng tình nguyện chở miễn phí. Các chị em múa từ nhà này, qua nhà khác, đi tới đâu, trống, chiêng gõ đến đó, âm thanh rộn ràng, náo nhiệt, vui tươi vang động cả xóm, nhà ai cũng bật đèn, sẵn sàng chào đón đội lân đến.
Số tiền các chị biểu diễn được để dành mua quà hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài ấp, bình quân một năm đội lân làm từ thiện 2-3 lần vào dịp ngày rằm tháng giêng, rằm tháng bảy hoặc những ngày giáp tết. Nhiều lúc kinh phí đội lân không đủ thì các chị em đóng góp, vận động mạnh thường quân thêm. Tiếng lành đồn xa, nhiều mạnh thường quân trong và ngoài địa phương biết được hoạt động thiện nguyện của đội lân nên tin tưởng, gửi cho bà con thông qua các chị em trong đội. Trên 10 năm nay, đội lân đã giúp đỡ cho trên 1.000 người, với tổng giá trị phúc lợi trên 200 triệu đồng.
Với tinh thần đoàn kết, đến nay đội vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, tuy nhiên gần đây do tình hình dịch bệnh, đội gần như hoạt động thiện nguyện là chủ yếu. Mô hình thiện nguyện này đã được Ủy ban Nhân dân xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện biểu dương, khen thưởng nhiều năm liền. Mô hình tương trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn thì không mới, nhưng phải nói rằng có “1 không 2” trên địa bàn huyện vì những hội viên đã ngoài U50, U60. Việc làm thiện nguyện vì cộng đồng, xã hội của đội lân nữ vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc vừa truyền cảm hứng cho các chi, tổ hội học tập, qua đó lan tỏa ý nghĩa tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.
Phạm Ngân