Vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh kèm theo đó là nỗi lo về chất lượng an toàn vệ sinh. Để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng tại huyện Vũng Liêm đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Hiện nay, trên thị trường đang chuẩn bị bày bán nhiều loại thực phẩm phục vụ cho tết Nguyên đán. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm chất lượng, đầy đủ các thông tin như thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ… cũng có không ít các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, rất có thể tiềm ẩn nguy cơ mất VSATTP, khi sử dụng ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng.

Để nâng cao nhận thức cũng như ý thức cho người dân, cơ sở sản xuất và chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cấp, các ngành liên quan của huyện đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông về VSATTP, đặc biệt vào dịp Tết. Việc tuyên truyền về ATTP được thực hiện qua nhiều kênh truyền thông như trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn, khẩu hiệu, băng đĩa…
Trước thực trạng trên, các ban, ngành chức năng của huyện Vũng Liêm đã tăng cường nắm bắt toàn diện các vấn đề và thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cụ thể, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm huyện đã có kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023. Theo đó, các nội dung kế hoạch được thực hiện nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Các cấp, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao…

Ngành chức năng chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra an toàn thực phẩm từ các đầu mối cung ứng lớn như các nhà sản xuất, chợ đầu mối, chuỗi bán lẻ lớn...

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm luôn được Đoàn liên ngành ATVSTP tăng cường và đẩy mạnh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATVSTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn huyện…. Việc kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán như: Thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm.... Theo báo cáo của các Đoàn kiểm tra, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có ý thức chấp hành các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP; thực hiện tự công bố sản phẩm và kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định. Các mẫu thực phẩm được lấy kiểm nghiệm đều đạt tiêu chuẩn VSATTP. Trên địa bàn huyện không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn có một số cơ sở thực phẩm chưa niêm yết đầy đủ về giá sản phẩm, còn kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng... Với các trường hợp vi phạm, các ngành chức năng đã tiến hành đề nghị UBND huyện xử phạt theo quy định.
Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm, lương tâm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì một trong những yếu tố quan trọng là người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm bảo đảm VSATTP từ các khâu lựa chọn thực phẩm đến sơ chế, chế biến, bảo quản và ăn uống. Trong dịp gần tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng lên nhiều, do vậy, bà con cần chú ý cách lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đối với các loại thực phẩm bao gói sẵn, bà con lưu ý nên mua những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; quan sát kỹ bao bì, địa chỉ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Vào dịp Tết, nên hạn chế sử dụng rượu, bia vì không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Người tiêu dùng nên mua các loại thịt gia súc, gia cầm khỏe mạnh; có nguồn gốc rõ ràng, không nên mua hàng trôi nổi. Ngoài ra, không cần thiết phải mua hay tích trữ quá nhiều thịt, khi mua về cần bảo quản đúng cách để đảm bảo chất lượng thực phẩm. Đối với các loại quả, khuyến cáo bà con nên mua các loại quả tại các cơ sở kinh doanh có uy tín, đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc những cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của ngành chức năng.
Để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nhiều, ngành y tế huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp giám sát việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phòng Y tế đề nghị UBND cácxã, thị trấn chủ động tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn được bày bán tại chợ và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP huyện cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành có liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức của người dân về VSATTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về VSATTP. Tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh truyền thông các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, các biện pháp đảm bảo ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm./.
Thanh Thảo - Phòng Y tế huyện Vũng Liêm