Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 939) với mục tiêu thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng và sức sáng tạo của phụ nữ. Đồng thời, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của phụ nữ thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Ban chấp hành Hội xác định mục tiêu đó là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của từng hội viên, phụ nữ. Hàng năm, Hội xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa nhiều văn bản của trên, tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” từ trong Ban chấp hành đến các chi, tổ hội,… Trước khi triển khai thực hiện, tập thể BCH Hội họp đưa ra phân tích, đối chiếu đặc điểm, điều kiện thực hiện của phụ nữ tại địa phương, chỉ ra những khả năng, tiềm năng và xây dựng mô hình thử nghiệm, có tổ chức lấy ý kiến tham khảo của các thành viên Ban chấp hành Hội, chi hội, sau đó, tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh, triển khai nhân rộng.

Đặc biệt, Hội xác định vai trò chủ đạo của phụ nữ nông thôn trong sản xuất nông nghiệp, để góp phần vào việc tăng gia sản xuất, nâng cao quyền năng của phụ nữ, phát triển kinh tế gia đình, tập thể Hội đã tìm ra nhiều giải pháp giúp chị em lao động ngày một sáng tạo, tìm cách làm hay, vận động hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng tham gia các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của địa phương như: "Cải tạo vườn kém hiệu quả", tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, tham gia vào tổ hợp tác VietGap, Hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất…đã phát huy tính tự chủ kinh tế hộ gia đình, tích cực lao động, học tập cách thức làm ăn mới, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể chị em đã tham gia các hoạt động chuyển giao khoa học kĩ thuật do Hội phụ nữ phối hợp với ngành nông nghiệp, Hội Nông dân tổ chức. Mô hình: “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, mô hình "sản xuất nông sản an toàn vì sức khỏe cộng đồng", mô hình “tưới nước tiết kiệm, trữ ngọt, ngăn mặn”,… khuyến khích thu hút 2.315 lượt phụ nữ nông thôn tham gia, đã có tác dụng thiết thực giúp chị em tạo ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tăng hiệu quả thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm...đặc biệt với mô hình “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” vươn lên làm giàu chính đáng đã được cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ trong xã tích cực hưởng ứng.
Phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” được BCH Hội phối hợp triển khai sâu rộng giúp nhau thoát nghèo bền vững với nhiều hoạt động với ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đem lại hiệu quả thiết thực, với tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau ngày công lao động, cây con giống, giúp vốn bằng nhiều nguồn vốn tại chỗ như: vốn xoay vòng, vốn nuôi heo đất... hiện toàn xã thành lập mới và duy trì 8 tổ xoay vòng vốn mua BHYT với 105 thành viên với số tiền 12.500.000đ, giúp cho 19 chị mua BHYT hàng tháng, 14 tổ hùn vốn phát triển kinh tế với 298 thành viên, giúp cho 14 chị được nhận vốn số tiền 38.900.000đ, bình quân mỗi chị nhận trên 3.000.000đ/tháng.
Tổ chức mở 6 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp: đan lỏi lác, đan lục bình vào khung có 190 học viên tham gia; 01 lớp kỹ thuật bới tóc có 30 chị tham gia, 100% có việc làm ổn định sau học nghề; 01 lớp kĩ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh có 25 học viên tham gia, 02 lớp kĩ thuật chăn nuôi gia cầm có 40 học viên. Tìm nhiều giải pháp hỗ trợ duy trì và nhân rộng mô hình “phụ nữ phát triển kinh tế”, mô hình “làm kinh tế giỏi”, mô hình “dạy nghề cho lao động nông thôn”, duy trì và nâng chất lượng hoạt động của các tổ liên kết may gia công, tổ liên kết đan lỏi lác, hàng năm đã góp phần giải quyết cho hơn 1.237 lao động có việc làm thường xuyên và ổn định. Bên cạnh đó, nhờ có mặt hàng đan lỏi lác, se lỏi lác của các cơ sở thu mua lõi lác nhận về gia công giúp cho xã giải quyết hơn 540 chị em phụ nữ có việc làm thường xuyên trong lúc nhàn rỏi, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, bình quân mỗi chị có thêm thu nhập từ 50-100.000đ/ngày.
Chủ động phối hợp với các công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, đơn vị kỹ thuật thuộc phòng Nông nghiệp &PTNT, Hội nông dân xã tổ chức 31 cuộc chuyển giao KHKT thuốc trừ sâu, phân bón có 263 lượt chị tham dự; thành lập 02 tổ hợp tác trồng bưởi da xanh có 28 thành viên tham gia vào tổ. Năm 2018 phối hợp hoàn chỉnh thủ tục tổ chức ra mắt Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ Bưởi da xanh có 22 thành viên tham gia, với diện tích 22,5ha (trong đó có 01 nữ là thành viên Hội đồng quản trị), đến nay HTX duy trì hoạt động và phát triển tương đối ổn định, góp phần tìm đầu ra, tiêu thụ nông sản và giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương.
Phát huy nguồn quỹ của Bà Tạ Dung Uất hỗ trợ với số tiền 15 triệu đồng. Hàng năm, tập thể BHC Hội họp xét xoay vòng hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ nghèo của từng ấp mượn (không tính lãi), thống nhất xét cho 10 chị hội viên nghèo, cận nghèo của các ấp với hình thức giúp vốn mua lác se lỏi (mỗi chị nhận 1.500.000đ), nhằm giúp phụ nữ có việc làm lúc nhàn rỏi, hàng tháng 10 chị này sẽ gởi tiết kiệm lại cho tổ trưởng 100.000đ. Từ đó, mỗi tháng tổ xét thêm cho 01 chị khác được mượn vốn. Đến nay tổ đã có 156 chị tham gia vào mô hình giúp phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Vận động 28 hội viên phụ nữ có con trong độ tuổi lao động cho con tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật và hỗ trợ hoàn chỉnh thủ tục vay vốn.
Trong những năm qua, Hội đã giới thiệu cho 487 hội viên, phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, ngân hàng Đông Á, … với số tiền trên 12 tỷ đồng, đặc biệt hỗ trợ cho 16 chị hội viên nghèo, cận nghèo vừa mới thoát nghèo vào cuối năm 2020, năm 2021 khởi nghiệp từ nguồn vốn vay ngân hàng CSXH với số tiền 620.000.000đ (chị Huỳnh Thị Ngọc Bích, số tiền: 80 triệu đồng, mua máy may công nghiệp, phát triển tổ may gia công tại nhà; chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, số tiền 80 triệu đồng, mua bán gà, vịt tại chợ Thanh Bình; chị: Tạ Thị Thúy Huỳnh, số tiền 90 triệu đồng, mua 3 bò nái sinh sản và mua bán nhỏ, chị Lê Thị Ánh Phụng, số tiền 80 triệu đồng, nuôi 03 bò thịt, chị Phan Thị Diệu Hiền, số tiền 50 triệu đồng, sản xuất heo đất bằng thạch cao, chị Đoàn Thị Ngọc Dung, số tiền 60 triệu đồng, phát triển mô hình nuôi bò thịt và mô hình nuôi ếch thịt...). Ngoài ra, Hội còn tìm nhiều giải pháp hỗ trợ chị em phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, tự chủ gia đình. Qua đó phát hiện một số gương điển hình những chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế như: chị Đào Thị Cẩm Thúy ấp Thanh Khê – mô hình thu mua mít thái- trái cây các loại, mô hình tổ liên kết đan lỏi lác vào khung của chị Nguyễn Thị Thu Duyên ấp Cái Dứa, Nguyễn Thị Tím ấp Thanh Khê, mô hình nuôi bò thịt, heo thịt của chị Ngô Thị Rí ấp Thông Lưu, mô hình nuôi bò thịt, ếch thịt của chị Nguyễn Thị Hải ấp Thanh Phong, Nguyễn Thị Thùy Trang ấp Thái Bình...và còn rất nhiều mô hình khởi nghiệp được hỗ trợ và hoạt động hiệu quả tại các ấp. Tiêu biểu, Hội còn trực tiếp hỗ trợ 07 chị hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ, 15 hộ hội viên nghèo, 38 hộ hội viên cận nghèo bằng nhiều giải pháp để đủ điều kiện thoát nghèo và thoát nghèo bền vững qua các năm. Với những hoạt động trên, BCH Hội đã có những hoạt động, những mô hình tiêu biểu đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định xã hội, cụ thể hơn góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 64.040.000 đồng/người/năm.
Từ những kết quả đạt được, có thể nói việc triển khai thực hiện những nội dung của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” rất phù hợp với nhu cầu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho hội viên, phụ nữ và Nhân dân, góp phần nâng chất và giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh những hoạt động cụ thể mà tập thể BCH đã triển khai thực hiện, Hội luôn quan tâm vấn đề: để khởi nghiệp thành công, phụ nữ rất cần hỗ trợ không chỉ về mặt tài chính, cơ chế, chính sách, mà cần được sự hỗ trợ về năng lực nội tại để phát triển, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ đó, giúp phụ nữ phá vỡ những rào cản về mặt tâm lý cũng như trở ngại từ bên ngoài để phát huy tiềm năng của bản thân, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập nhập, ổn định đời sống.
Thời gian tới, tập thể BCH Hội tăng cường đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, đa dạng hình thức sinh hoạt, phát huy sáng kiến, chọn giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả của Đề án cùng phát triển song hành với những hoạt động của Hội. Tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Mong được sự quan tâm, hỗ trợ, sự phối hợp đồng hành của ban ngành, Đoàn thể địa phương.
Nguyễn Thị Nhiên - HỘI LHPN XÃ THANH BÌNH