Xác định công tác gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Vũng Liêm đã tập trung tuyên truyền giáo dục về đời sống gia đình thông qua việc phổ biến các văn bản, các quy định, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình. Ban chỉ đạo công tác gia đình tham mưu với UBND huyện chỉ đạo, triển khai thực hiện các kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; kế hoạch tuyên truyền đạo đức, lối sống trong gia đình; kế hoạch thực hiện chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền với hình thức cổ động trực quan như: băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, bản tin văn hóa, trang thông tin điện tử; hệ thống truyền thanh huyện, xã nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11, 28/6 ngày Gia đình Việt Nam “Gia đình bình an- Xã hội hạnh phúc … trước khu vực hành chính, nơi công cộng trên địa bàn huyện. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam năm 2022 Ban chỉ đạo huyện chọn 01 hộ gia đình văn hóa tiểu biểu tham gia hội thi “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” và 01 hộ gia đình tham gia hội thi tiếng hát karaoke do Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tổ chức, kết quả đạt được 2 giải A, 01 giải B, 01 giải khuyến khích. Các phong trào thi đua “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Người tốt, việc tốt”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan” được triển khai và nhận sự hưởng ứng tích cực của các hộ gia đình. Phong trào xây dựng gia đình thể thao, gia đình sức khỏe, gia đình hiếu học được lồng ghép, góp phần phát triển gia đình bền vững. Đến nay, toàn huyện có 44.043/44.656 hộ đạt chuẩn văn hóa, chiếm 98,62% tổng số hộ đăng ký; Số vụ bạo lực gia đình được giảm dần.Toàn huyện có 156 ấp, khóm của 20 xã – thị trấn trên địa bàn huyện được triển khai các mô hình, đề án liên quan gia đình, đến cuối năm 2022 có 07 xã, thị trấn được tỉnh hỗ trợ xây dưng mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình. Trong năm, thành lập mới 5 câu lạc bộ (CLB) phòng chống bạo lực gia đình với 75 thành viên, 5 nhóm 15 thành viên, nâng tổng số đến nay 155 CLB với 3.370 thành viên, 134 nhóm với 675 thành viên. Tổ tư vấn hòa giải 154 tổ với 1.064 thành viên; 159 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, thị trấn.
Thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã vận động 100% hộ gia đình hội viên đăng ký thực hiện cuộc vận động "5 không, 3 sạch" (không vi phạm pháp luật và tệ nan xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba, không có trẻ suy dinh dưỡng, không có trẻ em bỏ học; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp). Phối hợp các ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và kế hoạch thực hiện Chương trình truyền thông về Bình đẳng giới giai đoạn năm 2022-2025; Tổng kết đánh giá 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới. Tổ chức thăm và tặng trên 600 phần quà cho trẻ em trong các đợt dịch Covid - 19 và các dịp lễ, tết; Mở 13 lớp dạy bơi tại các xã, thị trấn cho các em học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở với kinh phí trên 140 triệu đồng.
Ben cạnh đó Hội Nông dân huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hội viên vay với lãi suất ưu đãi. Người khá giả cho người khó khăn vay không lấy lãi. Nội bộ hộ dân giúp đỡ ngày công, vật tư, thiết bị, hàng hóa, cây con các loại,...; chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn để phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ gia đình Kết quả cuối năm có 246 hộ thoát nghèo và 5.223 hộ có mức sống trung bình (tỷ lệ 11,20%).
Từ những kết quả đạt được thì thời gian tới các cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Vũng Liêm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về gia đình, với 06 mục tiêu cụ thể:
Một là, phấn đấu đạt 38% gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm số hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số.
Hai là, phấn đấu đạt 36% gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại.
Ba là, phấn đấu đạt 38% địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở.
Bốn là, phấn đấu đến năm 2025 đạt 34% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã; có 37% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.
Năm là, phấn đấu hằng năm 33% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật; 100% người bị bạo lực được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.
Theo đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp được triển khai như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng và mọi cá nhân trong xã hội, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức về vị trí, vai trò, giá trị của gia đình trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế. Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông về xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ. Tăng cường, đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống ngay từ trong gia đình; giáo dục, phòng ngừa tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ. Tuyên truyền các gương gia đình tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa, ứng xử chuẩn mực; trang bị, phổ biến kiến thức, kỹ năng để các gia đình chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội; kế thừa và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Hướng dẫn, tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) với nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chú trọng tổ chức thực hành các hành vi văn hóa lành mạnh, ứng xử chuẩn mực trong gia đình nhằm tạo sự gắn kết giữa các thế hệ và phát huy giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp.
Theo Bác Hồ thì việc lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Còn trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò. Do đó, ngành văn hóa tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan triển khai, xây dựng mô hình gia đình kiểu mẫu “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tăng cường giáo dục nền nếp, lối sống tích cực, văn minh cho từng thành viên trong gia đình; tập trung vai trò nêu gương của ông bà, cha mẹ cho con cháu. Nhân rộng mô hình “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống gia đình để mỗi gia đình phải thực sự là môi trường lành mạnh, tổ ấm, là nền tảng, tiền đề hình thành nhân cách con người; cùng với nhà trường, xã hội làm tốt hơn nữa việc giáo dục nhân cách, lối sống, góp phần đề kháng trước mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng làm băng hoại giá trị đạo đức truyền thống. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là kinh tế hộ gia đình gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cùng với việc thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo và tạo việc làm; cần có chính sách khuyến khích các hộ có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển ngành nghề, góp phần tạo việc làm, thu nhập trong cộng đồng.
Phạm Ngân