Tượng đài đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao:
(18/11/2015 12:37:18)
Khu quần thể di tích tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao và di tích Hồ Vũng Linh tọa lạc tại Ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, được xây dựng vào năm 2004, khánh thành 2005

Khu quần thể di tích tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao và di tích Hồ Vũng Linh tọa lạc tại Ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, được xây dựng vào năm 2004, khánh thành 2005. Đây là công trình tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Lê Cẩn và Nguyễn Giao, trong lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương, đồng thời ghi dấu tội ác của thực dân Pháp và tay sai.

Tượng đài Lê Cẩn – Nguyễn Giao cao 7,5m (riêng phần đế cao 2,5m); chất liệu bằng đồng, nặng 21,5 tấn, theo mẫu tượng đài của nhà điêu khắc Trần Văn Trầm. Tượng đài được xây dựng trong quần thể rộng 2 ha với nhiều hạng mục công trình lịch sử văn hóa của Vũng Liêm.

Sau khi ba tỉnh miền Tây Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp (1867), cùng với các địa phương khác nhân dân Vĩnh Long vùng lên phản kháng quân xâm lược. Đầu tiên có nhóm Đàng cựu (đây là nhóm quan của triều đình đoàn kết lại) khởi binh, rồi đến hai người con của cụ Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm phất cờ khởi binh, song tất cả các cuộc nổi dậy ấy lần lượt bị thất bại dưới nanh vuốt của thực dân cùng bọn tay sai Việt gian theo trợ lực. Trong các cuộc nổi dậy đó, lịch sử ghi nhận cuộc khởi nghĩa do Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao và phó Mai lãnh đạo đã thể hiện tinh thần quật cường của nhân dân Vĩnh Long không cam chịu khuất phục ách thống trị của ngoại xâm.

Năm 1872, cuộc khởi nghĩa ở Vũng Liêm do  Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao lãnh đạo bùng nổ ở huyện Vĩnh Trị (nay là huyện Vũng Liêm). Các ông đều xuất thân từ nông dân nhưng có ít nhiều học thức và tinh thần yêu nước nồng nàn đã kêu gọi nhân dân cùng đứng lên đánh đuổi bọn ngoại xâm. Đông đảo nông dân và sĩ phu quanh vùng hăng hái hưởng ứng. Cuộc khởi nghĩa lan toả ra các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre. Cuộc khởi nghĩa có hai chiến công vang dội là trận tiến công vào dinh quận Vũng Liêm và trận phục kích địch ở Cầu Vông (nay thuộc xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm).

Vào tháng 11 năm 1871, Đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao, Phó Mai cùng nhóm dân quân đã hoạch định chiến lược tấn công chớp nhoáng vào dinh quận, giết chết tên chủ quận Hồ Thiện Thực cùng sáu tên lính và thu nhiều vũ khí.

Sau trận tập kích chớp nhoáng của nghĩa quân vào dinh quận Vũng Liêm, thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Chúng đưa Tôn Thọ Tường đến trấn nhậm Vũng Liêm để thay tên chủ quận vừa bị nghĩa quân tiêu diệt.

Ngoài Tôn Thọ Tường còn có chánh tham biện tỉnh Vĩnh Long Alix Salicetti, nổi tiếng nham hiểm, mà nhân dân vẫn thường gọi là Bồi Xê. Chúng vừa đàn áp cuộc khởi nghĩa vừa kêu gọi nghĩa quân đầu hàng. Để củng cố lòng dân, dập tắt tham vọng của thực dân Pháp và bọn tay sai, nghĩa quân của Đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao giả vờ đầu hàng và hẹn gặp chúng tại Cầu Vông.

Ngày 15/02/1872, Bồi Xê dẫn đoàn tùy tùng ra đi từ Vĩnh Long đi xuống Vũng Liêm để gặp các thủ lãnh nghĩa quân. Vượt ngã ba An Nhơn đến địa phận Cầu Vông, Bồi Xê gặp phục binh của nghĩa quân. Bên kia Cầu Vông, Đốc binh Lê Cẩn vừa trong thấy tên Bồi Xê ngồi ngựa đến gần đầu cầu, liền nhanh như chớp, ông chống cây tầm vông nhảy vọt qua, ôm ngay tên Bồi Xê vật ngã nhào xuống đất.

Lúc ấy, trống trận lập tức vang lên, Nguyễn Giao dẫn nghĩa quân kéo ra tiêu diệt hơn 10 tên lính Pháp và tay sai. Trong khi đó, Đốc binh Lê Cẩn và tên tham biện vẫn tiếp tục vật nhau cùng lăn xuống sông. Cả hai đều chết. Nguyễn Giao cắt thủ cấp của tên tham biện Bồi Xê. Sau đó, cùng với nghĩa quân chôn cất Lê Cẩn một bên mé rừng.

Ngày 23/02/1872 các tên Việt gian Trần Bá Lộc, Huỳnh Tấn, Tôn Thọ Tường dẫn quân đến tàn sát dã man người dân vô tội. Chúng đốt sạch, phá sạch, giết sạch người dân xung quanh địa điểm tên Bồi Xê bị tiêu diệt. Khoảng 500 người dân vô tội bị sát hại. Thây người chồng chất quanh ngã ba An Nhơn.

Sau những đợt đàn áp khốc liệt của kẻ thù cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Giao lãnh đạo vẫn tiếp tục duy trì. Nghĩa quân kháng chiến ở khu vực Suối Cạn, ven sông Cổ Chiên.

Đến ngày 10/05/1885 Nguyễn Giao hy sinh trên sông Cổ Chiên.

Tuy cuộc khởi nghĩa bất thành, nhưng những chiến công cùng sự hy sinh anh dũng của Đốc Binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao vẫn còn mãi trong lòng của người dân Vũng Liêm nói riêng, nhân dân Vĩnh Long nói chung.

Hiện nay, nhân dân Vĩnh Long xây dựng công viên tượng đài Lê Cẩn – Nguyễn Giao để tưởng nhớ hai vị anh hùng dân tộc và giáo dục truyền thống bất khuất kiên cường của hai ông cho thế hệ mai sau